Hạnh phúc sẽ luôn mỉn cười với ai biết cố gắng

11/12/2018 Đăng bởi: CÔNG TY CỔ PHẦN ĐIỆN LẠNH NGỌC NGUYÊN CHÂU

 

 

Cuộc đời của mỗi con người là một chuỗi biến hóa không ngừng của tạo hóa, như sóng sâu luôn ẩn mình dưới đại dương mênh mông, sẵn sàng thành hình nên những cơn giông tố. Nhưng mỗi một cơn bão qua đi, là cả một bầu trời được thanh tẩy. Cứ một lần con người ta vấp ngã, sức hồi sinh lại bung lên hàng vạn lần. Đó là cảm nhận của tôi về người phụ nữ vừa bước sang lứa tuổi ngũ tuần – Phạm Thị Khánh, chủ tịch HĐQT CTCP Điện lạnh Ngọc Nguyên Châu. Tôi gọi chị là “nữ tướng” không phải vì ca ngợi hay công danh thực tế của chị. Mà bởi, cái sức sống, sự hào sảng toát lên từ dáng người phụ nữ tự chủ ấy, từ sự vươn dậy trong phong ba và tái sinh trong thử thách, để lấy cơ hội trong những khoảnh khắc tưởng chừng ngã gục. Đối với tôi, chị là một nữ anh hùng!

 

 

 

 

 

Gặp chị Khánh vào một chiều tháng tư, khi cái nắng hãy còn e ấp chưa kịp buông tràn không gian làn sáng rực rỡ, chói chang, khi cái lạnh hãy còn e thẹn mà chưa chịu nghỉ ngơi sau một mùa đông đằng đẵng. Cái không khí chuyển mùa tạo cho ta cái cảm giác nhàn nhạt ấy bỗng nhiên qua chị, qua câu chuyện chị kể, qua cái cách chị cười trong từng hoài niệm, như được thổi một luồng gió mới, có ấm áp, có đầy đủ ngọn nguồn sức mạnh. Bởi vì đâu sức sống lại có sự lan tỏa mạnh mẽ ấy vậy? Có lẽ, khi con người ta thực sự bước ra và đi lên từ những chông chênh của số phận, cuộc đời của họ giống như một bản hòa tấu có sức đồng cảm lạ kỳ.

Chị đón tôi trong cái bộn bề của công việc thời chuyển giao của tiết trời. Sắp sang hè cũng là lúc điện lạnh vào mùa, chị Khánh và các cộng sự tất bật hơn với khối lượng hàng hóa khổng lồ. Hiện nay, trên thị trường miền Bắc, doanh nghiệp chị Khánh lãnh đạo đang là đối tác số một của các hãng điện lạnh lớn được toàn thế giới ưa chuộng như Panasonic, LG, Daikin, Mitsubishi electric, Fritsu… Riêng LG, Chị Khánh là nhà phân phối lớn nhất cả nước. Nhắc tới chị, bạn bè trong giới thường gọi là người phụ nữ của bốn mùa. Vì mỗi mùa qua đi, chị cùng với các sản phẩm “con cưng” lại đem đến cho con người những giá trị thụ hưởng mới.

 

 

 

Người phụ nữ ấy tâm sự rằng, kinh doanh cũng như trong cuộc sống, cái gì chân thành cũng đem đến thành công. Trong kinh doanh, chị luôn hướng tới, tìm tòi và chỉ đặt niềm tin của mình vào những sản phẩm có chất lượng, được cả thế giới kiểm chứng. Uy tín và hết mình phục vụ cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất chính là bí quyết thành công chị chia sẻ với tôi. Còn trong cuộc sống, với bạn bè, người thân hay thậm chí là bạn hàng, chị đều quan niệm “cho đi là còn mãi”. Thế nên, khi sóng gió ập tới bất ngờ, chị được bao bọc trong sự đồng cảm, trong tình yêu và sự tin tưởng của tất cả, để vực dậy, để tiếp tục kiến tạo và tỏa sáng.

 

 

 

 

Tuổi thơ dữ dội của cô nàng “con buôn”

 

 

Sinh ra trên một vùng quê nghèo bên lề sông Hồng, nơi đất cằn sỏi đá, tuổi thơ của chị và gia đình cũng nhọc nhằn như bao người dân lam lũ khác. Có một điều đặc biệt, chị được sinh ra bởi một người cha là nhà giáo thương con hết mực và một người mẹ tháo vát, giỏi giang buôn bán. Sự cộng hưởng từ hai phía: nhẫn nhục và trí tuệ của cha, năng động và rắn rỏi từ mẹ, chị lớn lên với niềm đam mê kinh doanh mỗi ngày một rộng mở.
Tôi còn nhớ ánh mắt của chị khi kể chuyện với tôi về quãng thời gian rực rỡ ấy. Nó vừa khắc khoải, vừa xen lẫn tự hào, vừa tiếc nuối, vừa xúc động. Ai cũng trải qua một tuổi thơ đầy màu sắc. Và tuổi thơ của chị là bước nảy mầm cho một nử thủ lĩnh trong tương lai, với tính quyết đoán, cương trực, tầm nhìn xa và tháo vát xông pha trên thương trường.

 

 

 

 

Chị kể:

“Tôi sinh ra trong một vùng quê nghèo. Bố tôi là thầy giáo giỏi nhưng lương ông chẳng đủ nuôi năm đứa con thơ nheo nhóc. Mẹ tôi là mẫu người tháo vát, giỏi kinh doanh. Cái máu “con buôn” của bà đã truyền cho tôi từ trong trứng nước. Khi còn là cô nhóc 4 tuổi tôi đã theo mẹ đi bộ mấy tiếng đồng hồ đến chợ mua bán đồ. Cái duyên kinh doanh lớn dần trong tôi, những lần đi bán hàng về được khen ngợi, tôi thấy mình hãnh diện vô cùng.
So với bạn bè đồng trang lứa ở quê, chỉ có năm anh chị em tôi đều được học hết cấp 3. Bố tôi hầu như mỗi ngày chỉ ngủ được vài tiếng, còn lại là làm việc để nuôi khát vọng các con được học, được ra thành phố thoát ly. Chính sự nhẫn nhịn và làm việc quên mình của ông đã làm tôi quyết tâm thêm “phi thương là bất phú”. Ông luôn dạy chúng tôi, thử thách cũng chính là cơ hội nếu như tôi có sức mạnh của tình người. Và cũng vì lẽ đó, hơn 50 năm bươn chải với đời, tôi luôn tâm niệm một điều “cho đi là còn mãi”, sống không phụ người thì sẽ chẳng bao giờ người phụ ta. Thế nên, tôi luôn cảm nhận thấy mình may mắn hơn người khác, đi đến đâu cũng có quý nhân phù trợ, người ta đều sẵn sàng chìa cánh tay ra cho tôi nắm, tin tưởng giao cho tôi nguồn hàng chất lượng, thậm chí còn cho tôi “nợ”.

 

 

Cái mà chị dạy tôi ngay lúc này đây, có lẽ chính là hai chữ “đam mê”. Con người chúng ta cứ hay vin vào duyên phận để lấy cớ cho những sự đã rồi. Vậy thì đam mê cũng chính là duyên phận. Nó đã vận vào ai, thì người đó hãy sống với nó một cách thành thật và có trách nhiệm nhất.

 

 

Một bài học nhỏ nhưng chứa đầy ý nghĩa!

 

 

Những bài học vỡ lòng

 

 

Từ những kinh nghiệm tuổi ấu thơ bên mẹ lân la trong chợ quê, chị quyết tâm biến ước mơ của người cha thân yêu thành hiện thực. Mang theo tâm tình của đấng sinh thành, chị rời xa lũy tre làng thân thuộc để đến với thị thành Hà Nội, tiếp bước con đường học hành.
Thành danh trong học tập, nhưng cái máu kinh doanh lại hừng hực trong từng nhịp thở, chị bắt đầu thử sức. Bài học vỡ lòng là lấy thuốc lá từ Hà Nội về quê bán. Chẳng may mắn, lô hàng dính thuốc giả. Lần đầu tiên kinh doanh gặp ngay một gáo nước lạnh nhưng với chị đó lại là một bài học lớn. Chị kể lại: “Trong cuộc đời làm kinh doanh, tôi cũng gặp không ít lần thất bại, nhưng tôi chưa một lần nản chí. Bởi kinh doanh nó là cuộc sống của tôi, tôi đam mê nó đến nỗi quên đi hiện tại. Mà đúng hơn, vì có đam mê ấy, mà tôi luôn phải tìm ra những biện pháp để tháo gỡ, để thay đổi, để làm cho tốt lên. Chính vì vậy, cơ hội luôn đến với tôi trong những lúc tôi tưởng chừng như bị dồn vào thế bí”.

 

 

Chị cũng nhớ lại, bài học đầu tiên cũng dạy cho chị rằng, “khi mình bán cái gì, là mình đang lấy chính uy tín của mình ra chào hàng. Hàng hóa không ai có thể kiểm định được ngay mà bản thân người bán không có uy tín, hàng có tốt thì khách hàng cũng không thể biết được. Mà uy tín chỉ có thể có khi chất lượng hàng của mình bảo đảm. Và vì vậy, trước khi làm, tôi có sự chọn lọc kỹ lưỡng, kiểm định sản phẩm trước khi đưa tới tay khách hàng. Giống như lĩnh vực điện lạnh này vậy, trên thị trường có biết bao nhiêu sản phẩm. Có rất nhiều nhãn hàng tìm tới tôi. Nhưng nguyên tắc của tôi trước sau như một, chỉ chọn những nhãn hàng lớn, cả thế giới tin dùng, được bảo đảm về chất lượng, để khách hàng thỏa mãn với số tiền mình bỏ ra và giá trị mình nhận lại”. Chị thừa nhận rằng để thực hiện được điều đó không phải dễ, nhưng bù lại, cuộc đời kinh doanh của chị cho đến hôm nay đã kiểm chứng nguyên tắc đó là đúng đắn. Chị cũng chia sẻ, cái tên Ngọc Nguyên Châu được đặt như sự hội tụ của những gì quý giá nhất, tinh hoa nhất của đất trời, của tình người mà chị muốn gửi gắm tới khách hàng thông qua sản phẩm của mình. Chị gọi Ngọc Nguyên Châu là “đứa con của Trời” cũng là vì như thế.

 

 

 

 

Cô dâu buôn vải

 

 

Khi được hỏi về những kỷ niệm trong cuộc chinh chiến với thương trường, chị Khánh có kể tôi nghe về chuyến đi buôn ngay trong ngày lập thân của mình. Mà còn đặc biệt hơn nữa, chiếc xe hoa cũng chính là chiếc xe chở hàng hóa của “cô dâu đi buôn” khiến mọi người đều phải phì cười mỗi khi nhắc tới.
“Ngay trong ngày cưới khi chờ mọi người đi mua hoa, tôi vào chợ Đồng Xuân và thấy giá vải chênh lệch với Lạng Sơn nên mua ngay một bao vải. Sau này tôi thường lấy về giao bán cho các cửa hàng ngoài chợ và chuỗi cửa hàng của công ty Thương Mại Lạng Sơn. Trước đó, cũng trong một lần từ Lạng Sơn về quê, đi qua hàng Đào, đôi găng tay tôi đeo trên tay, có người trả giá có lời nên tôi tháo ngay ra bán. Tôi nhận thấy cơ hội kinh doanh luôn hiện hữu xung quanh và làm thế nào để nhận ra, nắm bắt nó là quan trọng hơn cả”. Chị kể lại trong trạng thái như đang sống lại “tháng năm rực rỡ” của một thời đã qua.

 

 

 

 

“Kinh doanh với tôi cũng là cái duyên. Cùng nhiều người làm, nhưng tôi luôn nhận được sự ưu ái dành cho mình. Có lẽ mọi người thấy đam mê và thành tín trong con người tôi đảm bảo cho hàng hóa, sản phẩm tôi bán ra. Họ rất thích mua hàng của tôi vì cho là “nhẹ vía”, rồi sau đó đặt những đơn hàng lớn hơn, từng ô tô điện tử, điện lạnh Hà Nội - Lạng Sơn tăng chóng mặt. Điện lạnh gắn vào cuộc đời tôi nhẹ nhàng như thế.
Trong tôi luôn có niềm tin mạnh mẽ về con đường thành công của mình. Thế nên, khi ấy, tầm nhìn của tôi vươn ra xa hơn, mảnh đất Hà Thành như mời chào tôi chinh phục. Với quyết tâm “thuyền ra biển lớn”, năm 1998, mặc dù trong tay có số vốn nhỏ, mặc cho những lời can ngăn của bạn bè, người thân về một vùng đất thị thành xô bồ, không mối quan hệ… tôi tới Hà Nội gây dựng cơ đồ. Năm 1995, tôi đã mua nhà Chợ Trời (chợ Hòa Bình Hà Nội), 1997 tôi mua nhà phố Huế để lập sẵn con đường kinh doanh nơi đây.

 

 

 

 

Bước đầu tại Hà Nội tôi gặp khó khăn từ sự cạnh tranh của các đại lý có trước. Thời gian sau đó, tôi vào Tp. Hồ Chí Minh hai năm, từng bước thiết lập cơ hội làm việc với các hãng lớn và tạo được thương hiệu cho mình. Khi đã có cơ sở niềm tin vững chắc từ các đối tác, tôi trở lại Hà Nội và trở thành đại lý được các hãng lớn trong lĩnh vực điện lạnh tin tưởng đồng hành”.

 

 

 

 

Trầm ngâm bên ly trà cuối ngày, khi mà ngoài kia, dòng người vẫn ào ào xuôi ngược, hối hả về nhà sau một ngày mệt nhoài với “tiền tài, địa vị”, chị kể lại những tháng ngày “trời nổi can qua” trong tâm thế của một người đã “tái sinh” từ chính những nghiệt ngã.
“Thực ra với mỗi người phụ nữ, cho dù xảy ra bất cứ chuyện gì, người ta luôn nghĩ đến một bến đậu bình an, một mái ấm để tựa vào. Tôi cũng không ngoại lệ. Tôi yêu gia đình tôi đến nỗi nếu chọn phải hy sinh, tôi sẵn sàng gạt bỏ bản thân mình. Thế nhưng, cuộc đời vốn không phẳng lặng, như những con sông luôn mang bên trong mình những đợt sóng ngầm. Khi tôi và chồng không cùng tiếng nói chung, sự chia ly là không thể tránh khỏi.

 

 

 

 

Tôi có thể là người phụ nữ mạnh mẽ, gai góc trong công việc. Nhưng đụng tới tình cảm, tôi cũng yếu đuối lắm. Cuộc khủng hoảng đến với tôi như một cơn lốc vậy. Đùng một cái ném tôi vào một cái hố sâu khiến tôi bất chợt ngã xuống. Tôi bị stress nặng tới mức người thân, người bạn xung quanh tôi không thể nhận ra. Tôi đã phải mất một thời gian khá dài để điều trị tâm lý, cũng phải tìm mọi cách để vực dậy tinh thần. Khi đó, gia đình, tương lai của ba cô con gái xinh đẹp, tình đời ấm áp của bạn bè, người thân, bạn hàng và từ sự trở về của người bạn thuở học trò tôi thần tượng – người giờ đây là bờ vai cho tôi dựa dẫm mỗi khi mỏi mệt, đã thổi một luồng sức sống mới cho tôi, kéo tôi đứng dậy. Người bạn ấy đã từng là quân nhân phục vụ trong quân đội hai chục năm, là người quảng giao, được lòng bạn bè và các hãng lớn, anh tiếp sức cho tôi trên con đường sự nghiệp của mình. Vì vậy, dẫu nghịch cảnh có đôi chút tàn nhẫn, nhưng tôi phải cảm ơn nó, bởi nó đã cho tôi cơ hội “tái sinh” đầy nội lực”.

 

 

 

 

Khi chị chia sẻ về quãng thời gian chị lao đao tìm đường trở về từ bên bờ vực của “trầm cảm”, tôi nhận thấy ánh mắt của chị hướng về một khung cảnh yên bình phía trước. Một cặp vợ chồng và hai đứa con nhỏ tíu tít chuyện trò mà theo như tôi đoán, có lẽ là những mẩu chuyện không đầu không cuối của con nít trong ngày học để khoe với bố mẹ. Chị khẽ mỉm cười, và tôi cũng biết được, qua câu chuyện chị vừa chia sẻ với tôi, hai chữ “gia đình” được nhắc đi nhắc lại rất nhiều.
“Có câu tạo hóa ban cho ta cái gì đặc biệt là đi liền với đó một sứ mệnh. Thì với tôi, khả năng đánh giá, quyết đoán của một người lãnh đạo chính là thiên tạo cho cuộc đời kinh doanh của mình. Và đúng là có duyên thì phải có “phận”, tôi được ban cho nhiều thì bù lại, tôi luôn cảm nhận được trên vai của mình sứ mệnh thiêng liêng đó là sống vì gia đình. Tôi tìm con đường phát triển bản thân để có thể nâng đỡ gia đình, người thân xung quanh thoát khỏi cảnh bần hàn. Cho đến hôm nay, tôi đã thực hiện được điều đó, ở mức độ mọi người có của ăn của mặc, không phải triệu phú, tỷ phú, nhưng ít nhất không phải phụ thuộc vào vài ba sào ruộng, ăn bữa nay lo bữa mai.

 

 

 

 

“Phận” với tôi còn là mang tới công ăn việc làm ổn định cho mọi người. Tôi nghĩ đơn giản lắm, tôi có thể giúp được mươi, mười lăm con người thì đồng nghĩa với việc tôi giúp cho mười năm gia đình. Tôi vẫn còn đang dang dở mong ước này, và phấn đấu hơn nữa để toàn vẹn nó. Bởi tôi tin có thể thực hiện được “bổn phận” mà ông trời gieo vào tay mình”.
Thiết nghĩ, đằng sau những khung cảnh hoa lệ về giới doanh nhân mà ta thường hay thấy trên các mặt báo, trong những buổi tiệc tùng, hay trên những thước phim cuốn hút, ở đó đều là những con người sống vì nhiều người. Trên đôi vai của họ, không chỉ là gia đình, người thân mà còn là một “tiểu xã hội” nào đó, buộc họ phải không ngừng cố gắng để đỡ nâng.

 

 

 

 

Tôi có hỏi chị về bài học kinh doanh để dành cho các bạn trẻ có ý định khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, hay nhỏ hơn là dành cho phái đẹp muốn thử sức mình trên đấu trường kinh doanh – nơi thế thượng phong trước giờ vẫn do giới mày râu làm chủ. Chị cười một cách khiêm tốn. Chị cho rằng để nói là bài học, chị không dám nhận. Mà chị chỉ có thể dành cho các bạn lời khuyên trên cương vị một tiền bối, đã cọ xát và phải từng bước tìm con đường cho mình.
“Tôi không hy vọng có ai đó phải trải qua quãng thời gian như tôi đã từng. Đến hôm nay, tôi vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại. Nhưng cuộc đời của một người không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Bão tố vẫn ập tới vô thường. Hãy đối diện với tất cả bằng một trái tim mạnh mẽ, một tâm hồn tĩnh tại. Những bão giông, khó khăn ấy cũng là duyên phận, và thực ra là một phép thử của cuộc sống, để những người yêu thương nhau xích lại gần nhau hơn, lắng nghe và đồng lòng, cùng gắng vượt qua. Tình yêu thương, sự sẻ chia là điều vô cùng cần thiết trong cuộc sống bởi cho đi là còn mãi…

 

 

 

 

Cuộc đời con người cũng giống như trong tự nhiên, lần lượt trải qua bốn mùa xuân, hạ, thu đông. Dẫu mùa đông có dài bao nhiêu thì mùa xuân nhất định sẽ tới, dầu mùa hạ có nắng nóng cỡ nào, thì thu đến gió mưa mát lành sẽ xóa đi tất cả. Con người cũng vậy, trải qua nghịch cảnh mới biết yêu thêm giá trị của sự chân thành. Chẳng có khó khăn nào mãi mãi và cũng chẳng có thử thách nào thắng được tình người. Vậy nên các bạn trẻ cứ sống chân thành, cứ mạnh dạn “cho đi” thì sẽ nhận lại, vì biết đâu đấy, một ngày nào đó các bạn cũng sẽ được chắp cánh từ chính những điều bạn đã cho đi”.
Với chị, bài học kinh doanh cũng chính là bài học cuộc đời, cho đi là còn mãi, có đam mê là có sức mạnh, có sức mạnh thì chẳng thiếu gì động lực vượt qua chông gai. Mà đôi khi các bạn còn có thể lấy tinh thần AQ ra để mà ngạo nghễ nói rằng: Cơ hội sinh ra từ chính những thử thách, cuộc đời sang trang từ chính những lần lốc tố ùa đến và khoảnh khắc thành công luôn hiện hữu bất kể đâu, trong chính những lúc ta không ngờ nhất. Vì vậy, tỉnh táo và lạc quan, yêu đời và yêu mình, sẵn sàng san sẻ gánh nặng khi cần thiết và luôn dành ra bên cạnh mình những cộng sự thật tâm… khi ấy, chẳng có con đường thành công nào không có đích đến cho người miệt mài tìm kiếm.

 

 

 

 

Tiếp xúc với chị Khánh trong một quãng thời gian chưa đủ dài để tôi có thể hiểu hết về chị. Nhưng ấn tượng của tôi về chị mạnh mẽ tới mức, tôi luôn thấy chị đẹp trong mọi hoàn cảnh. Còn nữa, những lời khuyên của chị cứ ám ảnh tôi mãi cho tới khi tôi ngồi đây, đặt bút viết lên những dòng này. Mỗi chúng ta cứ mải mê đi tìm những công việc, những ngành nghề hot hit, mải mê với công cuộc kiếm tiền và hưởng thụ thành quả. Nhưng có lẽ ít ai quan tâm đến những cảm xúc thật sự của mình với công việc và cuộc sống. Còn chị, người phụ nữ đã bước lên từ hoàn cảnh nghèo khó, đã vươn lên với ý chí và nghị lực phi thường, đã hy sinh như những người phụ nữ Việt Nam điển hình trong thiên chức người vợ, người mẹ… nhưng chị luôn biết được, chị làm tất cả vì điều gì.

 

 

Đó là đam mê kinh doanh từ trong huyết quản, đó là chân lý chân tình về tình người mà người cha giáo viên truyền dạy cho chị như một kim chỉ nam xuyên suốt cuộc đời, đó là tình yêu đối với “đứa con tinh thần” là những sản phẩm dành cho khách hàng và những người đồng hành thân thiết… “Cho đi là còn mãi”, bài học về tình người đã trở thành chân lý của cuộc đời chị, và biết đâu đấy, nó sẽ là của chúng ta, nếu như chúng ta sống hết mình. Vậy nên, dù cuộc đời có đặt ra những nghịch cảnh, những bài toán khó nhưng luôn lồng ghép vào đó những cơ hội, ai biết nắm bắt với chân lý như chị chia sẻ “cho đi là còn mãi”, thì cơ hội “tái sinh” sẽ là một đáp số chung, hạnh phúc sẽ mỉm cười với tất cả…

Gửi bình luận của bạn:

Bạn cần hỗ trợ? Nhấc máy lên và gọi ngay cho chúng tôi - 024.3971.4888
hoặc

  Hỗ trợ trực tuyến
popup

Số lượng:

Tổng tiền: